Tham luận: Bảo mẫu - Người chăm sóc những mầm chòi non

1:08 AM |
"Người chăm sóc những mầm chòi non" - buổi tham luận do Phòng Giáo dục quận 1, Tp Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/4, đây là lần đầu tiên có một ngày hội dành cho các cô bảo mẫu, tại buổi tham luận này các cô bảo mẫu còn tham gia vào một hoạt động vừa mang tính lễ hội vừa để trao đổi, nâng cao nghiệp vụ: giải quyết tình huống, thể hiện kỹ năng chăm sóc học sinh, làm bài kiểm tra kiến thức.

Đây là dịp hiếm hoi được thấy các cô bảo mẫu diện áo dài, bước lên sân khấu ca hát thay vì lui cui ở góc lớp lau chùi từng ca nước, dán tên lên từng đôi dép, xếp từng chiếc bàn chải đánh răng hay dọn từng chiếc gối, mền vào đúng vị trí cho học sinh đi ngủ.

Nghề bảo mẫu cần được quan tâm hơn nữa
Những tình huống sư phạm thực sự mà các cô đã trãi qua, những khó khăn, vướn mắc, thật gần gũi khi chính các cô chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ, không những thế do gần gũi lâu nên hầu hết các cô đều nắm được những thói quen của từng em. Nhiều cô rất run khi lần đầu tiên cầm micro và kể câu chuyện của mình trước đám đông.

Các cô cũng mạnh dạn đề xuất, kiến nghị việc ngành giáo dục và toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến nghề bảo mẫu hiện nay, với đặc thù công việc hết sức vất vả nhưng mức lương chưa cao.
Các cô phải tranh thủ làm việc khi các em đã đi ngủ

Không chỉ là những chia sẽ về nghề, về những niềm vui nỗi buồn của nghề mà còn là những câu chuyên về giấc mơ làm giáo viên còn dang dở, đành theo học lớp nghề bảo mẫu, đậu lại ở cái nghề cũng gần với giáo viên và hơn hết là được gần các em học sinh. Chỉ có người trong nghề mới thấm cái cực nhọc khi một cô phải lo cho ba, bốn chục đứa học trò. Công việc hầu như không thể ngơi tay bởi trường học phải đúng giờ. 


Tranh thủ ăn khi học sinh đã ngủ, lau dọn khi các em thức dậy. Sáng đến sớm, chiều về trễ. Và còn là người hòa giải những mâu thuẫn, xử lý muôn vàn tình huống trong bữa ăn giấc ngủ của trẻ... Vậy mà trong các bài tham luận, chẳng thấy một lời than vãn, kêu ca, chỉ thấy những câu chuyện thật ngọt ngào, làm nhẹ đi những phút mệt mỏi, đầu tắt mặt tối với công việc của một “bà mẹ đông con”.

Những câu chuyện nho nhỏ diễn ra hằng ngày khi mà những học sinh bán trú có gần 10 giờ đồng hồ ở trường, như những ngọt ngào lắng đọng lại với các cô sau những giờ làm việc vất vả.

Cô Dung chia sẻ, bảo mẫu Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, thật sự sốc khi cha của một học trò vào trường và cho con một bạt tai chí mạng ngay trước mặt các cô bảo mẫu vì cháu đánh nhau với bạn. “Vừa run, nhưng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh đưa em vào phòng y tế, phụ huynh em không đi theo cũng chẳng tỏ ra lo lắng gì, càng nghĩ càng thương và muốn bù đắp cho học trò” - cô rơm rớm kể.
Các cô như một bà mẹ đông con

Chợt chạnh lòng khi nghĩ đến hàng ngàn cô bảo mẫu khác vẫn đang túi bụi với công việc, với đồng lương chật vật, không biết bao giờ các cô có được một ngày hội thật sự để được nghỉ ngơi và ca hát, được kể cho nhau nghe những câu chuyện nghề rất đặc thù chỉ có ở những ngôi trường bán trú.

Công việc cực nhọc là vậy nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ và hơn hết là gánh nặng mưu sinh, gia đình nên các cô vẫn bám trụ với nghề bảo mẫu trong khi đồng lương ít ỏi so với mức sống hiện đại. Một thực trạng đáng buồn là chỉ có một đến hai cô bảo mẫu trong một lớp 40 bé, trong khi tiêu chuẩn ở một số nước chỉ có 4 bé trên một bảo mẫu, nghĩa là với 1 lớp 40 bé thì cần 10 cô bảo mẫu.

Các cô cần lắm những chính sách hỗ trợ, những sẻ chia, cảm thông của xã hội để các cô yên tâm làm việc, có thể sống bằng đồng lương của mình và những người học bảo mẫu có thể yên tâm cho việc học và theo đuổi nghề sau này.

Theo Tuoitre.vn
Read more…

Mốc phát triển trẻ 5 tuổi cần đạt

10:05 PM |
Bạn có tin không khi trẻ 5 tuổi trẻ đã có thể nói họ tên và địa chỉ, đứng trên một bàn chân tối thiểu 10 giây, có thể tự đi vệ sinh...
 
Chắc bạn đã biết 10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào lớp 1, vậy đến khi 5 tuổi trẻ phát triển đến đâu và có thể làm được những gì? Nghe có vẻ không thực tế nhưng đây là những tiêu chuẩn phát triển đối với trẻ 5 tuổi.


Mốc phát triển trẻ 5 tuổi cần đạt

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ 5 tuổi có thể làm được nhiều việc mà không ai nghĩ đến, và từ những nghiên cứu này các nhà khoa học đã tạo ra một bộ các tiêu chuẩn cần có ở trẻ 5 tuổi. Đây có thể xem là cơ sở cho việc đánh giá sự phát triển bình thường của trẻ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện và sớm phát hiện những bát thường ở trẻ.

Nhiều trường hợp trẻ tự kỷ hay chậm phát triển được phát hiện khá muộn do chưa có sự theo dõi quá trình phát triển của trẻ ở các bậc phụ huynh. Nên nhớ rằng những trẻ tự kỷ hay chậm phát triển có thể cải thiện phần nào nhận thức và kỷ năng nếu được phát hiện sớm, riêng trẻ tự kỷ có thể cải thiện đến 80%.

Dưới đây là những gợi ý về những điều đa số trẻ làm được khi 5 tuổi do Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên trưởng Khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đưa ra:


Về mặt ngôn ngữ, giao tiếp 

- Nói rất rõ - bé đã bớt "ngọng" rồi các mẹ ạ.

- Kể một câu truyện đơn giản với những câu đầy đủ - tuy nhiên đôi khi trẻ vẫn có thể sắp xếp các tình huống theo trình tự... không giống ai.

- Dùng thì tương lai, ví dụ “bà ngoại sẽ đến đây” - cháu nhớ bà lắm ạ.

- Nói họ tên và địa chỉ - điều này rất quan trọng các mẹ nhé, có thể ở Việt Nam ta chưa chú trọng việc này, nhưng ở các nước phát triển thì rất được chú trọng, do trẻ chưa thể nhớ  đường về nhà, nên việc nhớ địa chỉ nhà sẽ giúp ích khi trẻ đi lạc.

 

Về mặt xã hội, cảm xúc:

- Trẻ muốn làm vui lòng bạn.

- Muốn giống bạn - cha mẹ có cách hành xử đúng đắn sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ.

- Đồng ý với nội quy -  tuy còn nhỏ nhưng vẫn nên cho trẻ làm quen với các nội quy, giúp trẻ có tính kỷ luật hơn.


- Thích hát, múa và hành động - trẻ nhỏ thường hiếu động chủ yếu là để khám phá môi trường xung quanh.

- Nhận thức về giới tính - giáo dục giới tính cho trẻ (ở mức độ trẻ có thể nhận thức được) giúp tránh những suy nghĩ lệch lạc về giới tính sau này. 

- Có thể nói điều gì thật và điều gì giả vờ - ở tuổi này trẻ đã biết nói "xạo".

- Tỏ vẻ tự lập hơn (ví dụ, có thể tự đến thăm người hàng xóm nhưng vẫn cần người lớn giám sát).

- Đôi khi đòi hỏi và đôi khi rất hợp tác - trở thành người đồng hành đáng tin cậy của trẻ.



Trẻ tự lập hơn, đôi khi đòi hỏi và đôi khi rất hợp tác

Về nhận thức (học, nghĩ, giải quyết vấn đề):

- Đếm tối thiểu 10 đồ vật.

- Có thể vẽ một người với tối thiểu 6 bộ phận - cho trẻ tiếp xúc với mỹ thuật sớm, giúp phát triền khả năng sáng tạo của trẻ.

- Có thể viết vài chữ cái hoặc số - cho trẻ làm quen với chữ viết và dạy trẻ những chữ đơn giản nhé.

- Sao chép hình tam giác và các dạng hình học khác.

- Biết về những đồ vật được dùng hàng ngày, như tiền và thức ăn.

Về cử động, phát triển thể chất:

 
- Đứng trên một bàn chân tối thiểu 10 giây.

- Nhảy lò cò, có thể nhảy cách quãng.

- Có thể nhào lộn.

- Dùng muỗng và đôi khi dùng dao - các mẹ nhớ giám sát và hướng dẫn bé chi tiết nhé.

- Có thể tự đi vệ sinh - bé có thể tự đi vệ sinh đúng cách rồi.


- Đu đưa và leo trèo.

Phụ huynh cần lưu ý kiểm tra các mốc mà trẻ đạt được ở sinh nhật thứ 5 va nói với bác sĩ về các mốc mà trẻ đã đạt được và những điều kỳ vọng cho giai đoạn kế tiếp.

Cần nói với bác sĩ khi trẻ có các biểu hiện:

- Không bày tỏ nhiều cảm xúc.

- Có hành vi thái quá (quá sợ hãi, hung hăng, nhút nhát hoặc buồn bã).

- Rút lui và không hoạt động cách bất thường.

- Dễ xao lãng, khó tập trung vào một sinh hoạt hơn 5 phút.

Trẻ không bày tỏ cảm xúc, nhút nhát, buồn bã
- Không đáp ứng với người khác, hoặc đáp ứng cách hời hợt.

- Không thể nói điều gì thật và giả vờ.

- Không chơi những trò chơi và sinh hoạt đa dạng.

- Không nói được họ tên.

- Không dùng số nhiều hoặc thì quá khứ một cách phù hợp.

- Không nói về những sinh hoạt hoặc kinh nghiệm hàng ngày.

- Không vẽ hình.

- Không thể đánh răng, rửa và lau khô bàn tay, hoặc cởi quần áo không cần trợ giúp.

- Mất các kỹ năng đã đạt được.


Lo lắng khi gặp những trường hợp này ở trẻ là không thừa, trường hợp trẻ chạm phát triển và đặc biệt là tự kỷ không phải là quá hiếm, ngày càng nhiều trẻ bị tự kỷ.

Việc trẻ không bày tỏ cảm xúc, có hành vi thái quá (sợ hãi, nhút nhát, hung hăng...), không đáp ứng với người khác... thường là biểu hiện của trẻ tự kỷ. Và như đã nói ở trên, nếu phát hiện sớm thì có đến 80% cơ hội phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

Nhưng trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ bạn nhé!!!
 
Nguồn Sưu tầm.

Bạn có thể tham khảo thêm các khóa học của IEDI:



Lớp Cô nuôi dạy trẻ mầm non (Giáo dục mầm non)
Read more…

10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào lớp 1

9:35 PM |
Đừng vội vàng kết luận một đứa trẻ là ngoan hay hư, thông mình hay không, vì cho đến giai đoạn này trẻ vẫn chỉ hành động theo bản năng. Rất nhiều phụ huynh và người xung quanh có quan niệm sai lầm khi sớm kết luận một điều gì đó liên quan đến trẻ (như ngoan hay không) mà quên rằng

 chúng ta thường để trẻ tự phát triển nhận thức trong giai đoạn đầu, bố mẹ chỉ hướng dẫn và dạy trẻ một vài công việc đơn giản, nhưng thiếu tính định hướng cho trẻ, dạy trẻ chia sẻ với bạn bè nhưng không dạy trẻ cách tôn trọng người khác, dạy cho trẻ nhận biết và gọi tên một sự vật nào đó nhưng không dạy trẻ nói thành câu...


Chưa có những hành động dứt khoát khi muốn con nghe lời hoặc có những hành động bạo lực đều không tốt. 



10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào lớp 1
Mới đây, Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng trẻ em (Ofsted) Anh vừa công bố danh sách 10 kỹ năng trẻ cần có khi bắt đầu đi học và kêu gọi các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ thành thạo.



Michael Wilshaw, người đứng đầu Ofsted, cho biết có quá nhiều trẻ em không được chuẩn bị gì cả trước khi đến trường. Theo ông, có một số kỹ năng quan trọng cần được dạy trực quan nhưng cha mẹ đã không dạy cho trẻ, sau đó lại phàn nàn con cái của họ phải vật lộn với cuộc sống ở trường học.

Ông Michael Wilshaw tiết lộ rằng trên cả nước Anh, chỉ có một phần ba trẻ sinh ra trong những gia đình có thu nhập thấp đạt được những mốc phát triển quan trọng ở tuổi lên 5. Những đứa trẻ nhà nghèo ít có khả năng làm theo hướng dẫn, thể hiện cho người khác hiểu được mình và biết cách tự chăm sóc vệ sinh cơ bản cho bản thân. 

"Đến 5 tuổi, nhiều trẻ em bắt đầu học những từ đơn giản và nói những câu đơn giản, có thể cộng những phép tính đơn giản. Nhưng rất nhiều trẻ nhà nghèo không thể làm được điều này", Michael Wilshaw nói và cũng đề nghị nên mở thêm nhiều nhà trẻ để trẻ em con nhà nghèo cũng có cơ hội được học tập ở bậc mầm non.

Ông chỉ trích quan điểm cho rằng trẻ em nên được tự do, tự làm theo ý mình và không cần phải học hỏi. Đa số chúng sẽ phải trả giá vì những gì chúng không được học.

Sự thành công phụ thuộc vào sự tự tin, ham tìm hiểu và có động lực trong học tập

Nhà tư vấn về nuôi dạy trẻ Nancy Stewart thì cho rằng: "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự thành công sau này của trẻ không phụ thuộc vào việc thành thạo những kỹ năng đơn giản như tự đi giày, đi vệ sinh hay nhận ra tên mình. Mà sự thành công phụ thuộc vào sự tự tin, ham tìm hiểu và có động lực trong học tập".

Danh sách 10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào tiểu học của Ofsted

1. Có khả năng ngồi yên và lắng nghe.
2. Biết tôn trọng những đứa trẻ khác.
3. Hiểu được từ “Không” và giới hạn của các hành vi.
4. Hiểu được từ “Dừng lại” và những câu tương tự dùng để nói, khi muốn ngăn chặn một điều gì đó nguy hiểm.
5. Biết đi bô và có thể biết sử dụng bồn cầu.
6. Nhận ra tên của chính mình.
7. Biết nói với người lớn để đề nghị sự giúp đỡ.
8. Biết cách cởi áo khoác và biết tự đi giày.
9. Biết nói một câu đầy đủ, không chỉ là một từ.
10. Biết mở và thưởng thức một cuốn sách.


Kim Kim (theo Telegraph)



Khóa học khác của IEDI:


Read more…

Hướng dẫn mẹ đơn thân thực hành thai giáo

2:41 AM |

Thạc sĩ – bác sĩ Lan Hải cho biết, từ lâu, việc giáo dục bào thai từ trong bụng mẹ được nhiều cặp vợ chồng tìm hiểu và áp dụng trong kế hoạch hôn nhân của mình, với mong muốn chuẩn bị những gì tốt nhất cho con. Điều đó được gọi là "thai giáo".

Thai giáo (Haptonomie) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "xúc giác" hoặc "cảm xúc". Bằng âm nhạc, ngôn ngữ, xoa bóp, chế độ ăn uống, tạo môi trường tốt, cha mẹ có thể thai giáo trực tiếp (nghĩa là “dạy” thai nhi qua các bài tập tác động lên 5 giác quan của cả hai mẹ con) và thai giáo gián tiếp (là chăm sóc bà bầu về dinh dưỡng, tinh thần, tránh các kích thích không tốt cho mẹ và bé).


Người phụ nữ thời nay bản lĩnh hơn, có rất nhiều người phụ nữ đang dần trở thành trụ cột trong các tổ chức, cơ quan và cả trong gia đình. Trong thời đại tri thức, sự phụ thuộc vào người đàn ông giảm dần, nhiều người đã có thể một mình nuôi con, có khá nhiều gia đình chỉ có một mẹ, một con. Họ cùng nhau trở thành những tế bào trong xã hội.

Tuy nhiên, những bà mẹ đơn thân với quỹ thời gian eo hẹp phải đóng cùng lúc 2 vai vừa làm cha vừa làm mẹ của con mình. Do đó họ cần có thêm kiến thức để chăm sóc con từ trong bụng để đứa trẻ được chăm lo chu đáo và không bị thiệt thòi.


Những điều mẹ đơn thân cần biết khi thực hành thai giáo

Theo ghi nhận, những năm gần đây, trong số những học sinh giỏi, người trẻ vượt khó, sinh viên tài năng hoặc người thành đạt được xã hội công nhận, không ít gương mặt là con của bà mẹ đơn thân (single mom).
"Việc không kết hôn ngày nay trở thành một xu thế lựa chọn. Có lẽ một phần do người ta tự lập và cảm thấy mình có khả năng tự làm tốt mọi việc: phụ nữ không cần chồng để cậy dựa, chu cấp. Đàn ông không cần vợ để nấu nướng, giặt giũ, lau dọn", bác sĩ Lan Hải nhìn nhận.

Ở Mỹ, xu hướng chọn lối sống độc thân đã gia tăng từ năm 1960: 48% phụ nữ không kết hôn, trong khi đàn ông là 44%. Thực ra đa số người độc thân vẫn muốn kết hôn, nhưng chưa tìm thấy người vừa ý hoặc chưa chọn được thời điểm thích hợp. Một số khác thì hài lòng với cuộc sống không bị ràng buộc hoặc sống chung không hôn thú.

Độ tuổi kết hôn cũng có xu hướng trì hoãn lâu hơn: Vào những năm 60, đàn ông kết hôn khi 23 tuổi và phụ nữ 20. Còn vào năm 1998, đàn ông 27 tuổi và phụ nữ 25. Con số các cặp nam nữ làm bố mẹ không cần hôn thú cũng gia tăng: cứ 3 trẻ em được sinh ra thì có một trường hợp bố mẹ độc thân về mặt pháp lý.

Bác sĩ Lan Hải cho rằng việc lựa chọn hình thức gia đình nào là quyền cá nhân của mỗi người, họ sẽ tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bà nói: "Ngày nay có nhiều dạng gia đình, có nhiều loại hôn nhân, nhưng tình mẫu tử thì muôn đời vẫn thế".  

Dù là phụ nữ đơn thân hay không, về cơ bản có những việc phụ nữ khi mang thai cần phải làm là:

- Thứ nhất, nên lắp màn cửa để che ánh sáng chói từ cửa sổ và cửa ra vào, tránh sự khó chịu cho thai nhi.

- Thứ hai, chuẩn bị thêm nhiều gối để kê, chêm vào lưng, chân, đùi khi nằm ngồi. Vì các bà bầu không được phép đấm lưng dù phải vác "balô ngược" suốt ngày đêm đến mỏi rời rã. 

- Thứ ba, uống nhiều nước. Bình thường mỗi người hàng ngày nên uống khoảng 2 lít nước. Nếu sinh hoạt và làm việc trong môi trường nắng, nóng, ra nhiều mồ hôi hoặc đang mang thai thì nên bù nước nhiều hơn, khoảng hơn 2,4 lít/ngày. Không chỉ là nước uống mà là tất cả những gì có nước như bún, phở, miến, cháo, nước canh, nước rau luộc, nước trái cây, nước mía, nước trà… Nước mà người mẹ đưa vào cơ thể là nguyên liệu chính để hình thành nên nước ối cho bé yêu.

Mẹ đơn thân chịu nhiều thiệt thòi
 
- Thứ tư, dinh dưỡng, vận động hợp lý cho từng giai đoạn trong thai kỳ, sao cho mẹ khỏe – con khỏe. Hãy nhớ rằng một tháng nuôi con trong bụng bằng một năm nuôi con bên ngoài.
Riêng đối với trường hợp những bà mẹ đơn thân cần lưu ý:

1. Vuốt ve, trò chuyện cùng con nhiều hơn, vì thì giờ lẽ ra dành chia sẻ chăm sóc người bạn đời được dồn hết cả cho con.

2. Hát ru hoặc nghe hát ru con, cũng chính là ru mình. Cảm nhận sâu xa về lòng biết ơn cha mẹ mình, về mầm sống đang cựa quậy trong lòng mình, không thấy lẻ loi nữa mà thấm thía hơn, mạnh mẽ hơn.

3. “Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, đằng này lại chịu cảnh mồ côi đến 2 lần, cả lúc “vượt cạn” lẫn lúc mang thai và nuôi con đằng đẵng.

"Những bà mẹ đơn thân với quỹ thời gian eo hẹp đã đóng 2 vai vừa làm cha vừa làm mẹ của con mình, 'gia tài' để lại cho con chính là lòng tự trọng và sự vượt khó. Hoàn cảnh cung cấp cho hai mẹ con một sức chịu đựng dẻo dai cùng quyết tâm vượt lên số phận. Khá nhiều đứa trẻ đã thành đạt, mặc cho vô số khó khăn chống lại mình hoặc do chính những trở lực ấy là nguồn kích thích", bác sĩ Lan Hải chia sẻ.

Nguồn Vnexpress

Đâu đó vẫn còn những lời dèm pha về những người phụ nữ đơn thân, hầu hết đều xuất phát từ những định kiến xã hội, những tiêu chuẩn đánh giá khăc khe đối với người phụ nữ có từ ngày xưa. 

Khiến không ít những người phụ nữ đơn thân phải chịu nhiều đã kích về tinh thần, khiến cuộc sống của họ trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng họ có xứng đáng nhận những lời chê trách như vậy?!

Câu trả lời là không!

Đơn giản là họ không thể chung sống với một nữa còn lại của mình vì nhiều lý do nên hai người không thể hòa hợp, và họ có quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ.
Cũng có thể họ có cá tính mạnh, họ chấp nhận cuộc sống một mình nuôi con mà không cần người chồng, người cha ở bên cạnh. 

Và có thể họ đã từng lầm lỡ, đánh mất chính mình và giờ họ chấp nhân cuộc sống làm mẹ đơn thân.

Và kết lại, dù họ có là một trong những trường hợp trên thì đều đáng quý, đáng trân trọng vì quan trọng là họ sống có trách nhiệm với bản thân và con cái họ, và giúp đứa trẻ phát triển bình thường, có ích cho xã hội. Nếu vậy thì ta cũng nên có cái nhìn khách quan, cởi mở hơn vì chung quy lại họ chẳng khác nào những bà mẹ khác vậy thì cớ sao ta cứ phải đóng khung, ác cảm và giữ khư khư cái định kiến cổ hủ của ngày xưa kia.

Mỗi người có một cách nhìn nhận riêng, trên đây là cách nhìn nhận vấn đề của cá nhân tôi. Bạn có thể đồng ý hoặc không, điều đó không sao cả - vì bạn có cách nhìn riêng và có quyền nêu lên, bảo vệ quan điểm của mình. Tôi sẽ rất vui nếu bạn chia sẻ cảm nhận của mình bên dưới bài viết này. 

Trân trọng


Khóa học khác của IEDI:
Read more…