KHI MÀY RÂU LÀM NGHỀ BẢO MẪU
Sunday, May 25, 2014
Lâu nay, ta chỉ biết và cũng chỉ nói về các cô giáo mầm non. Ít ai nghĩ rằng đàn ông, con trai lại đi làm nghề bảo mẫu. Với tôi, hồi nhỏ có đọc trên mục chuyện lạ bốn phương của một tạp chí nào đó câu chuyện về một nam thanh niên ở Matxcơva làm "cô nuôi dạy trẻ mầm non".
Tưởng chuyện chỉ có ở nước Nga xa xôi, không ngờ, ngay chính ở quê mình cũng có một người thầy đang ngày ngày cùng hát, cùng múa, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu mầm non. Thầy giáo Lê Đăng Hạnh ở Trường mầm non Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là câu chuyện tôi muốn kể hôm nay.
Khi hay tin có người thầy mầm non ở xã Quỳnh Phương, thú thực, tôi không tin lắm. Nhưng đây lại là chuyện được xác nhận một cách “chính thống”, thế là tôi dong xe cả trăm cây số để mắt thấy tai nghe, đỡ phải thao thức câu hỏi, có hay không. Rồi ngay cả khi được cô hiệu trưởng xác nhận, tôi vẫn cứ băn khoăn: Cậu ấy có bị làm sao không nhỉ? Có đàn ông không? Và tôi đã vô cùng bất ngờ và cảm phục khi đứng trước người thầy... “mẹ hiền” ấy.
Khi mày râu làm nghề bảo mẫu (Ảnh minh họa) |
Này nhé, dáng người cao, gầy, lông mày lưỡi mác rậm rì và hàng ria mép cũng không kém phần tua tủa, nếu không được cạo thường xuyên. Đôi mắt Hạnh sáng quắc, cương nghị mà rất đỗi hiền từ. Và, đôi bàn tay rắn rỏi, hơi ngăm ngăm đen ấy của Hạnh lại hết sức mềm mại mỗi khi âu yếm trò yêu.
Thầy giáo... “mẹ hiền”
Gặp chúng tôi, Hạnh tỏ ra rất ngại. Cuối cùng thầy cũng đồng ý tậm sự về chuyện đời, chuyện nghề. Hạnh sinh năm 1985, là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em trai. Bố Hạnh làm nghề trồng rừng và kinh doanh lâm đặc sản, gia đình, theo như lời cô hiệu trưởng là thuộc vào hàng khá giả ở xã Quỳnh Vinh - Quỳnh Lưu.
Từ nhỏ, Hạnh đã rất ham thích hát múa và kể chuyện, nhất là những bài hát, câu chuyện kể của trẻ em. Những đêm trăng sáng hay những dịp hội hè, Hạnh đều quây quần bên các cháu nhỏ, cùng nhau hát múa, nô đùa. Xa chúng là Hạnh thấy nhớ. Từ đó, chàng trai ấy đã ấp ủ một nỗi niềm, được chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Rồi, ngày làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng đã đến, Hạnh chỉ nộp duy nhất một bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương - Nha Trang, ngành mầm non.
Lại vò đầu, bứt tai, Hạnh thủ thỉ: “Gay nhất, trở ngại lớn nhất là từ bạn bè, anh em, ai cũng can ngăn đừng đi học mầm non. Đã vào học rồi vẫn còn có người can ngăn. Rất may, bố em là người tôn trọng quyết định của con nên em không bị lung lay ý chí”. Vừa trò chuyện với tôi, chốc chốc Hạnh lại phải chạy vào lớp để “ổn định trật tự”.
Và thỉnh thoảng câu chuyện lại bị gián đoạn vì phải phân xử kiểu: “Thưa thầy, bạn ấy đánh con. Thưa thầy, cho con đi...”. Lớp vắng thầy, như ong vỡ tổ. Xong, Hạnh lại tiếp: “Em vào trường nhập học, ai cũng ngạc nhiên. Lúc đầu ngại vô cùng, hơn 400 sinh viên cùng khóa chỉ duy nhất em là đàn ông. Đi đâu cũng có người nhìn, chỉ trỏ, ở đâu em cũng là người gây sự chú ý. Nhất là lần đi thực tập, mọi người đồn nhau, ngày nào họ cũng kéo đến xem. Nhưng rồi nghe đâu trước đây hai khóa cũng có 2 anh theo học mầm non, và mọi người cũng quen dần với sự có mặt của em nên cũng phần nào bớt ngại”.
Đoạn Hạnh tủm tỉm, thú nhận: “Nói thật với anh là bây giờ em đi cưa (tán) vợ rất khó. Nghe nói mình là thầy giáo mầm non nên họ ngại. Đến giờ em vẫn chưa có bạn gái”. Chia sẻ với Hạnh, cô Phương nói nhỏ với tôi trên đường về: “Trong trường có nhiều cô trẻ đẹp lắm, tôi đã làm mai cho Hạnh nhưng các cô đều phân vân.
Họ nói, cả hai vợ chồng là giáo viên mầm non lấy thì giờ đâu mà chăm lo con cái, gia đình, trong lúc thu nhập chẳng ăn thua gì. Khổ thế”. Cô còn cho biết thêm: Từ nhà Hạnh đến trường phải mất 15km, ban đầu cậu ấy ở nhờ nhà người thân, nhưng ngay cả người thân của Hạnh cũng tỏ ra ngại ngần vì có cháu trai đi dạy mầm non. Do vậy mà nhà trường bố trí cho Hạnh ở bán trú để cậu ấy đỡ phiền.
“Thưa thầy, con...”. Hạnh lại phải đứng lên, hiền từ với các trò: “Các bạn ơi, hôm nay lớp ta có khách quý, các bạn giữ trật tự để thầy làm việc với khách một tí nhé. Các bạn có đồng ý không?”. Cả lớp đồng thanh: “Thưa thầy, có ạ”. Nhìn ánh mắt của Hạnh dành cho các cháu, tôi hiểu lắm, một tình yêu trẻ nhỏ vô bờ của chàng thanh niên 26 tuổi này. Hèn chi Hạnh không thể bỏ cuộc.
Trong mơ cũng thấy trò yêu
Sáng nay Hạnh dạy các cháu bài tô màu, môn học tạo hình. Sau khi hướng dẫn chung, Hạnh lại phải tỉ mỉ bày cho từng cháu một. Khi tôi có mặt, cả vạt áo của Hạnh đã ướt đẫm mồ hôi. Thế mà Hạnh vẫn cười rõ tươi. Cô Phương thẳng thắn: “Chúng tôi chỉ giúp đỡ Hạnh thôi chứ hoàn toàn không bỏ qua cho cậu ấy bất cứ yêu cầu nào, thậm chí còn rất khắt khe về chuyên môn.
Trong mơ cũng thấy trò yêu (Ảnh minh họa) |
Ví như, khi trường mở hội thi thao giảng, Hạnh bắt được bài múa là phải thực hiện ngay, không được phép đổi bài. Và Hạnh đã rất cố gắng để hoàn thành tốt bài thi. Hay như cắt dán, trang trí lớp học, làm đồ chơi cho trẻ... Hạnh cũng đều phải tự làm lấy, chị em chỉ giúp đỡ hướng dẫn thôi, không làm thay được”. Rồi không ngần ngại, cô Phương nói về cảm giác của mình khi hay tin Hạnh về trường công tác: Đó là 5 năm về trước, khi đó cô đang là phó hiệu trưởng.
Một ngày cuối hè, cô nhận được điện thoại của hiệu trưởng thông báo, nhận một giáo viên nam về trường. “Tôi không tin vào tai mình, phải hỏi đi hỏi lại cô hiệu trưởng mấy lần. Và lời cuối cùng tôi nói với cô hiệu trưởng là, không nhận cậu ấy có được không? Thú thực tôi không tin thầy giáo có thể vượt qua được trăm ngàn trở cản để dạy tốt ở bậc mầm non. Ấy thế mà Hạnh làm được, dù chưa giỏi giang như những người có thiên chức làm mẹ”.
Cô Phương chùng giọng, dường như những ngày căng thẳng của 5 năm trước vẫn chưa nguôi, những ngày mà chính cô phải rạc cả cổ để thuyết phục phụ huynh. Cô kể: Hay tin lớp học được dạy bởi một thầy giáo, phụ huynh phản ứng gay gắt, họ cương quyết không đưa con đến trường. Họ tuyên bố, không thể giao con vào tay đàn ông đi làm “cô giáo” mà lại còn non choẹt như vậy. Rất khó khăn mới có mấy phụ huynh cho Hạnh dạy thử. Chỉ trong thời gian ngắn, thầy trò đã quấn quýt lấy nhau như “mẫu tử”, rồi phụ huynh ngày càng tin yêu thầy giáo. Vì thế mà lớp của Hạnh bây giờ có sĩ số đông nhất trường, 42 cháu.
Cô Phương mỉm cười, nét mặt hài lòng, nói với tôi: “Nói thật, nếu không vì sự đam mê nghề nghiệp, không vì tình yêu thương trẻ của Hạnh thì tôi cũng không nhiệt tình với cậu ấy như vậy đâu. Nhà Hạnh thuộc hàng khá giả nhưng cậu ấy nhất quyết theo nghề này, Hạnh không hề thiếu thốn, không thiếu việc làm. Trong lúc, lương hồi đó chỉ có hơn 800.000 đồng, năm nay được vào biên chế mới được 2,4 triệu cộng với 150.000 đồng trực trưa lớp bán trú. Nhiều lần tôi động viên Hạnh xin chuyển về gần nhà, hoặc chuyển nghề khác, nhưng Hạnh một mực dạy mầm non và dạy ở trường Quỳnh Phương. Cậu ấy thật yêu nghề, yêu trẻ vô cùng”.
Hạnh lại gãi đầu: “Chao ôi, ngày đó sao mà buồn đến thế, bao nhiêu ước mong ra trường để được chăm bẵm các cháu bị tiêu tan, em buồn đến phát khóc. May mà sau đó mọi người đã hiểu và hết lòng tin yêu. Nói thật, em đã tính bỏ nghề về đi theo bố, nhưng nhớ tụi nhỏ quá. Nằm mơ thấy toàn chúng nó, những đứa trẻ ngoan ngoãn, hồn nhiên cứ vẫy tay đòi thầy, đáng yêu làm sao.
Và cả khi hát trong mơ cũng toàn là những bài mầm non”. Tôi hỏi nhỏ: Hạnh có thấy trở ngại gì không, ví như khi các cháu vệ sinh, chẳng hạn? “Lúc đầu cũng hơi khó khăn, vì em chưa làm những việc ấy bao giờ. Nhưng rồi quen, và thấy đó là chuyện bình thường. Em nghĩ, nếu có tình yêu thương con trẻ, thì bất kỳ ai cũng làm được cả” - Hạnh cả quyết.
Trở lại với lớp học, Hạnh tiếp tục từng nét vẽ với các cháu, trìu mến, thân thương. Và, dù nhễ nhại mồ hôi, “mẹ” Hạnh đã cùng cả lớp cất vang bài thơ “Bạn mới” để tặng chúng tôi trước lúc chia tay. Xe đã bon xa, bên tai tôi vẫn cứ ríu ra ríu rít: “Bạn mới đến trường / Hãy còn nhút nhát / Em dạy bạn hát / Rủ bạn cùng chơi...”.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Post a Comment